Danh mục sản phẩm

Dây chuyền sản xuất kỳ diệu của người thợ miệt vườn

Tình cờ gặp lại, Đặng Lợi cho tôi biết anh vừa được Bộ Công nghiệp quyết định hỗ trợ 70 triệu đồng về sáng chế hữu ích “Dây chuyền sản xuất bột cá”. Song điều lớn hơn tiền bạc là sau thời gian dài mày mò, công trình của một anh thợ cơ khí cấp… thị trấn cuối cùng đã được công nhận. Hiện nay, Sở Công nghiệp Cà Mau đang chuẩn bị tọa đàm về khả năng phát triển rộng rãi công nghệ này ở các vùng ven biển.

Thị trấn cửa biển Sông Đốc, Cà Mau, có đội ngũ tàu đánh bắt xa bờ tới 650 chiếc, hằng năm đem về từ biển 63 ngàn tấn hải sản. Đó là chưa kể một số lượng cá tạp mà đội tàu này đã bỏ lại biển, nếu tận dụng được nó sẽ có giá trị không nhỏ. Giải quyết vấn đề này, hiện riêng tại cửa biển đã có 4 nhà máy chế biến bột cá với công suất hàng trăm tấn một ngày. Trước đây, tất cả thiết bị công nghiệp của các nhà máy này đều phải nhập từ Thái Lan. Không chỉ riêng Việt Nam, mà trong khu vực Đông Nam Á, nói đến dây chuyền chế biến bột cá thì dường như chỉ có một nguồn duy nhất là Thái Lan. Chuyện bắt đầu từ năm 1997, khi nhà máy chế biến bột cá đầu tiên được đặt tại cửa biển Sông Đốc, nó lập tức trở thành một sự kiện. Báo đài địa phương không ngớt bàn tán về cái công nghệ tối tân, vốn giải quyết được hai vấn đề bức xúc của một cửa biển lớn: tận dụng được nguồn cá phân (cá tạp) vốn chỉ để… bỏ và giải quyết được một số lượng lao động đáng kể. Hôm Nhà máy Sing Việt lần đầu tiên nhập dây chuyền về để lắp ráp tại Sông Đốc, các kỹ sư từ Thái Lan cũng sang theo tận nơi để lắp ráp, họ cũng để tâm tới việc kiếm thêm thợ phụ.

ychuynsnxutkdiucangithmitvn

Trong khi đó, tại thị trấn Sông Đốc, anh thợ trẻ Đặng Lợi gần như độc quyền đối với việc sửa chữa tàu cá hay nhà máy nước đá. Từ trước giờ ở đây, mỗi khi tàu bè gặp vấn đề, giới chủ tàu chỉ yên tâm ra khơi khi máy móc thiết bị được Lợi “khám”. Người ta còn đặt thêm cho anh chàng này cái biệt danh là “thầy chế”. Hầu như ít khi phải chịu thua, dù cho có gặp phải máy móc “chứng” cỡ nào, Lợi cũng có cách khắc phục. Nếu thiếu phụ tùng cần thay thế, Lợi “chế” luôn tại chỗ.

Khi được mời phụ việc cho Nhà máy bột cá Sing Việt, lần đầu tiên đối diện với dây chuyền đồ sộ và tối tân, Lợi không sao giấu được hiếu kỳ. Thấy anh chàng thợ cơ khí cay cú dò lần từng khâu, từng đoạn của dây chuyền, mấy anh kỹ sư người Thái lắc đầu cười. Thấy anh chàng hiền và có vẻ “tối mắt” trước máy móc, công nghệ tối tân, các kỹ sư này ra sức “nổ” về sự lợi hại của dây chuyền chế biến bột cá mà theo họ thì là duy nhất ở Đông Nam Á. Họ cười cũng phải vì công nghệ chế biến bột cá là sản phẩm liên doanh giữa Thái Lan và Đan Mạch, bản thân các kỹ sư đi lắp ráp mỗi người cũng chỉ biết một công đoạn, đừng nói một anh thợ miệt vườn học hành không biết tới đâu lại đòi “tiếp thu công nghệ” tiền tỉ. Họ kể dạo trước, cũng có một công ty của Malaysia mua cả dây chuyền từ Thái Lan về rồi cưa ra để nhái theo, nhưng kết quả cũng chỉ hoài công. Tuy máy móc vẫn vận hành, vẫn cho ra sản phẩm nhưng giá thành để cho ra một kg bột cá lại cao hơn nhiều lần, cho nên dù muốn dù không, họ cũng phải tiếp tục mua dây chuyền từ Thái.

Nghe kể, Lợi tức tối: Tại sao lại làm không được? Về, Đặng Lợi trở nên ít ăn ít ngủ, gom góp tiền của để cuối cùng cho ra đời… “con quái vật made in Sông Đốc”!

Thành công trong nước mắt

Dạo ấy vào độ tháng giêng năm 2003, nửa đêm, anh chàng Đặng Lợi vực vợ dậy để nói ý định sẽ chế tạo dây chuyền chế biến bột cá. Cứ nghĩ là chồng mình bị “mớ”, nhưng lại khuyên chồng nếu đã nghĩ thì cứ làm những gì mình nghĩ. Sáng dậy anh chàng lôi về lỉnh kỉnh nào sắt thép, nào bản vẽ khiến mấy “đệ tử” của anh chẳng hiểu ất giáp gì. Vốn hiểu cá tính của anh, nhiều người nghe dù chẳng tin nổi là anh làm được cũng gật đầu động viên. Thậm chí mấy anh bạn chí cốt còn dốc tiền cho Đặng Lợi mượn mua vật liệu. Thật ra, ý nghĩ chế tạo dây chuyền chế biến bột cá đã manh nha từ sự thôi thúc “tại sao…?” ban đầu ấy. Ban đầu, anh chỉ cố công tìm hiểu chứ chưa nghĩ một ngày sẽ bắt tay vào làm. Những “râu ria” bên ngoài thì chẳng nói, điều quan trọng là làm sao nắm được nguyên lý hoạt động của dây chuyền? Mà những kết cấu bên trong của nó thì làm sao để có điều kiện tiếp cận? Tại sao người Mã Lai đã có điều kiện làm tới mức đó mà vẫn không thành công? Hàng trăm, hàng ngàn câu hỏi tại sao ấy chỉ được trả lời từng lúc, từng khi. Đó là khi một nhà máy đang hoạt động bị dở chứng. Trong lúc những người hiểu ruột hiểu gan của nó thì ở tận Thái Lan, để mời qua sửa tốn tiền chẳng nói, nhà máy lại phải nằm chờ đợi, nào nguyên liệu hư, nào sai hợp đồng… Đặng Lợi nghe tin, vội đến để xin được sửa. Thuyết phục mãi, Lợi mới nhận được gật đầu cho sửa “thử”. Nhờ vậy, Lợi mới có điều kiện tiếp xúc với một số hệ thống như: bơm dầu nhiệt, hộp số, lò nấu…

ychuynsnxutkdiucangithmitvn1

Trước lúc bắt tay vào chế tạo “dây chuyền”, Đặng Lợi đã liều mình nhận lời chế tạo ống dẫn dầu truyền nhiệt trong lò đốt – một mắt xích quan trọng trong dây chuyền chế biến bột cá – cho Nhà máy bột cá Gành Hào (Bạc Liêu). Trước đó, nơi này đã gọi 5 đơn vị có tiếng trong ngành cơ khí miền Nam, nhưng chỉ có 2 nơi hồi âm lại là họ chấp nhận hợp đồng trị giá 300 triệu. Biết được, Lợi xin được nhận thầu với giá 145 triệu. Nhận thầu, Đặng Lợi đã huy động mọi vốn liếng, lực lượng từ cái tiệm cơ khí tầm thị trấn để chế tạo một thiết bị mà từ trước giờ anh chưa mấy lần sờ mó tới. Sau vụ này, Lợi tự tin hơn. Anh dần nghiệm ra cái nguyên tắc hoạt động của dây chuyền chế biến bột cá. Cả nguyên nhân tại sao một số nơi dù “nhái” công nghệ liên doanh Thái – Đan Mạch nhưng giá thành sản xuất ra 1 kg bột lại cao hơn rất nhiều. Khi bắt tay vào làm, anh luôn tâm niệm: sáng tạo chứ không bắt chước, copy. Thậm chí, có những “điểm yếu” từ dây chuyền của Thái mà anh cần cải tiến tốt hơn nữa. Đơn cử, tại khâu giải nhiệt sản phẩm. Khi bột được đưa ra hệ thống giải nhiệt, công nghệ Thái dùng mô-tơ bơm nước qua bồn giải nhiệt, rồi dùng băng tải đưa ra bồn. Nhận thấy “đi vòng” như thế khá tốn kém, anh “cắt” luôn cái công đoạn đưa qua bồn, mà thiết kế thêm một lớp bọc quanh vòng xoáy để giải nhiệt ngay trong quá trình băng tải. Làm cách này anh tiết kiệm được nhiên liệu trong bơm rửa, tiết kiệm được điện năng. Vừa tiếp thu công nghệ, vừa cải tiến, chế ra cái mới, cuối cùng, Đặng Lợi cho ra đời dây chuyền chế biến bột cá khác hoàn toàn so với dây chuyền nhập từ Thái Lan. Những cái khác đó góp phần làm giảm chi phí sản xuất, sản phẩm ra thị trường sẽ có giá cả cạnh tranh hơn.

Khi công nghệ chế biến bột cá “made in Sông Đốc” hoàn thành công đoạn cuối cùng, Đặng Lợi giật mình vì đã tiêu vào đó 800 triệu. Số tiền có được ngoài việc dành dụm của hai vợ chồng, còn có phần giúp đỡ cho mượn của bạn bè. Khi lao vào chế tạo dây chuyền chế biến bột cá, Đặng Lợi thú nhận là chỉ vì ước muốn thôi thúc phải làm bằng được nó, chứ chưa nghĩ rằng chế tạo để cho mình… Vợ chồng anh lại đi thuê đất tại cửa biển Cái Đôi Vàm, đặt “con quái vật” để tận dụng nguồn nguyên liệu từ đội tàu đánh bắt ở đây. Thấy cái cảnh vợ chồng Đặng Lợi dầm mưa dãi nắng thuê tàu chở “con quái vật” từ cửa biển Sông Đốc qua cửa biển Cái Đôi Vàm (Cà Mau) để đặt nhà máy chế biến bột cá, nhiều người ngậm ngùi và khen… vợ anh giỏi chịu đựng chồng. Ngày khai trương nhà máy, khách mời đến chúc mừng đông đủ, nhưng hầu hết đều chạy ra xa khi Lợi khởi động máy. Êm ru! Nhiều người thở phào. Đặng Lợi mừng đến ra nước mắt.

ychuynsnxutkdiucangithmitvn2

Thấy nhà máy của Đặng Lợi chạy tốt, ít thải ra mùi hôi (một nhược điểm của các nhà máy thực phẩmkhác), không bị người dân ở gần thưa, các nhà máy bột cá lớn ở Sông Đốc như: Sing Việt, Quốc Hiệp đã đến đặt hàng. Lúc chúng tôi đến, Lợi vừa chuyển giao thành công dây chuyền 100 tấn/ngày cho một doanh nghiệp ở Vũng Tàu và đang sản xuất theo đơn hàng của một doanh nghiệp ở Đà Nẵng. Trong lúc nhu cầu nguyên liệu bột cá (chế biến thức ăn gia súc, thức ăn thủy sản…) trên thị trường ngày càng cao, khi nguồn cá vụn ở nhiều nơi đang bị bỏ đi rất lãng phí thì việc chế tạo ra dây chuyền công nghệ sản xuất bột cá của anh thợ vườn Đặng Lợi rất được khuyến khích.

Được tín nhiệm, nhiều nơi mua máy, vậy là Đặng Lợi sẽ phất lên rồi? Anh lắc đầu: “Không lời nhiều đâu, Lợi bán với giá rất mềm”. Một nhà máy có công suất 100 tấn/ngày nếu nhập khẩu máy móc sẽ có giá trên 8 tỉ đồng, nhưng với công suất đó, anh chỉ bán cho đối tác trên 3 tỉ đồng. Không lỗ, nhưng cái lời lớn nhất của anh chính là nhìn thấy tâm huyết của đã mình góp phần hữu ích cho cuộc sống.

54

Tin khuyến mại khác

Hơn 2.000 lượt khách tham quan Chinamac Fair 2010

Thị trường bánh trung thu bắt đầu “nóng” dần

Triển lãm máy móc thiết bị Trung Quốc

Ý kiến của bạn