Danh mục sản phẩm

Nhà máy dược phẩm và Trung tâm nghiên cứu công nghệ dược: Trọng điểm đầu tư của Dược phẩm Viễn Đông

Trong tổng số 456 tỷ đồng vốn đầu tư cho Nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng và dược phẩm của Công ty Cổ phần liên doanh LiLi of France (thuộc Công ty cổ phần Dược phẩm Viễn Đông – mã CK: DVD – HOSE), có hơn 300 tỷ đồng được dành cho công nghệ, cho thấy quyết tâm của Công ty trong việc xây dựng một nhà máy hiện đại hàng đầu ngành dược.

Tọa lạc tại Khu công nghiệp Tiên Sơn (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), nhà máy thực phẩm chức năng và máy dược phẩm của Công ty cổ phần liên doanh Lili of France có tổng diện tích hơn 22 ha, được cấp phép đầu tư từ tháng 11/2007. Qua một thời gian lựa chọn công nghệ, dây chuyền sản xuất và thiết kế xây dựng, Nhà máy chính thức được khởi công vào tháng 4/2009. Đến tháng 6/2010, Công ty đã hoàn thành giai đoạn I của nhà máy, đưa vào vận hành các hạng mục chính, gồm Trung tâm nghiên cứu phát triển; khu kiểm nghiệm, xưởng sản xuất thực phẩm chức năng; nhà điều hành, nhà ăn cán bộ nhân viên và trạm xử lý nước thải.

Các hạng mục khác, gồm xưởng sản xuất Nonbetalactam, Cephalosporin và tổng kho sẽ được hoàn thành và đi vào hoạt động vào tháng 12/2010.

Ông Đào Xuân Hưởng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần liên doanh Lili Of France cho biết, đây là một trong những hạng mục đầu tư trọng điểm của Công ty cổ phần Dược phẩm Viễn Đông (là cổ đông sáng lập chính, cùng Công ty Every của Pháp). Nhà máy có tổng vốn đầu tư 25 triệu USD, bao gồm nhiều hạng mục lớn, quy mô, như xưởng sản xuất thực phẩm chức năng hiện đại nhất Việt Nam, để sản xuất các sản phẩm viên sủi, viên nén, viên nang cứng; xưởng sản xuất Nonbetalactam và xưởng sản xuất Betalactam; tổng kho và các kho đạt chứng nhận GSP (thực hành bảo quản thuốc tốt) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO); phòng kiểm nghiệm hiện đại đạt chứng nhận GLP của WHO; và đặc biệt, Trung tâm nghiên cứu công nghệ bào chế và tổng hợp hóa dược hiện đại. Toàn bộ quy trình sản xuất của nhà máy được áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2000, đạt chứng nhận GMP (thực hành sản xuất thuốc tốt) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

“Công ty cổ phần liên doanh Lili of France có lợi thế lớn từ 2 cổ đông sáng lập chính là Công ty cổ phần Dược phẩm Viễn Đông và Công ty Yvery của Pháp. Một là kinh nghiệm, tiềm lực của đối tác Yvery, đến từ quốc gia có nền y dược học tiên tiến hàng đầu thế giới; hai là lợi thế về kênh phân phối sản phẩm chuyên nghiệp, rộng khắp của Công ty cổ phần Dược phẩm Viễn Đông. Do đó, nhà máy của Công ty được đầu tư dây chuyền, công nghệ hiện đại với quy mô lớn để đáp ứng tốt nhất yêu cầu sản xuất và nhu cầu của thị trường”, Tổng giám đốc Đào Xuân Hưởng phân tích.

Nói về sự khác biệt trong hướng đầu tư của một nhà máy dược, theo ông Hưởng, cần nhìn vào cơ cấu vốn đầu tư. Trong tổng số 456 tỷ đồng của nhà máy, có trên 100 tỷ đồng dành cho cơ sở hạ tầng, và Công ty dành tới 300 tỷ đồng đầu tư cho công nghệ. Các hạng mục được thiết kế, xây dựng, vận hành đạt các chứng nhận Thực hành sản xuất Lưu trữ và Kiểm nghiệm thuốc tốt của WHO, vừa có lộ trình sẵn sàng cho việc đạt các chứng nhận cao hơn như JMP, TGA, GMP-EU để trong tương lai không xa, có thể xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường lớn, đòi hỏi nghiêm ngặt hơn, như thị trường Nhật Bản, Australia và EU.

Với hướng đầu tư mạnh cho công nghệ như vậy, Công ty Lili of France đặt mục tiêu xây dựng được một nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng và dược phẩm hàng đầu Việt Nam vào năm 2011, đưa thương hiệu LiLi France trở thành thương hiệu số 1 trong ngành sản xuất thực phẩm chức năng và dược phẩm tại Việt Nam vào năm 2013.

Đồng thời, với mục tiêu trở thành địa chỉ phát triển công nghệ bào chế và tổng hợp hóa dược hiện đại hàng đầu Việt Nam trong năm 2011, theo Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần Dược phẩm Viễn Đông đầu năm 2010 về chiến lược nghiên cứu và phát triển công nghệ dược của Công ty giai đoạn 2010-2015, mới đây Chủ tịch HĐQT Công ty đã chính thức ký quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ dược, đặt tại Nhà máy Lili of France. Tổng mức đầu tư cho xây dựng và mua sắm máy móc thiết bị phục vụ cho công tác nghiên cứu, tổng hợp hoạt chất mới và nghiên cứu các công nghệ bào chế cao đã được phê chuẩn theo Nghị quyết đại hội đồng cổ đông tổ chức đầu năm 2010 là 120 tỷ đồng, để trang bị hệ thống máy hiện đại hàng đầu từ Đức, Mỹ.

Song song với công nghệ hiện đại, lãnh đạo Công ty Lili Of France cũng đặc biệt chú trọng đến yếu tố con người, xác định đó là yếu tố cốt lõi, giá trị hạt nhân, có ý nghĩa đặc biệt đối với công tác nghiên cứu. Qua một thời gian chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, Công ty vừa bổ nhiệm các cố vấn đặc biệt về tổng hợp hóa dược và công nghệ bào chế cao, đều là các nhà khoa học có trình độ, tâm huyết, tu nghiệp nhiều năm ở nước ngoài và có kinh nghiệm thực tiễn ở trong nước về làm việc tại Trung tâm, gồm PGS, TS. Nguyễn Hải Nam, TS. Nguyễn Ngọc Chiến, TS. Phạm Văn Thoại.

“Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tâm huyết từ con người đến thiết bị, công nghệ như vậy, chúng tôi tin tưởng Trung tâm sẽ làm tốt và hiệu quả công tác nghiên cứu, tổng hợp các hoạt chất mới trong lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm chức năng; nghiên cứu các công nghệ bào chế cao như công nghệ phóng thích chậm, phóng thích theo thời gian, tác dụng tới đích… Đó sẽ là nền tảng quan trọng để Công ty phát triển bền vững và đóng góp nhiều hơn cho ngành dược”, ông Hưởng chia sẻ.

55

Tin khuyến mại khác

Xuất khẩu dây chuyền bào chế thuốc viên

Hơn 2.000 lượt khách tham quan Chinamac Fair 2010

Nhà máy dược phẩm và Trung tâm nghiên cứu công nghệ dược: Trọng điểm đầu tư của Dược phẩm Viễn Đông

Ý kiến của bạn